Quỳnh Chi – 2 giờ trước
TheLEADER Trước những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã chuyển nguy thành cơ, nắm bắt cơ hội để vừa tồn tại, vừa lên kế hoạch chuẩn bị cho đẩy mạnh phát triển khi dịch qua đi.
Công ty CP Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) là một doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm. Sản phẩm của hãng này được phân phối và bày bán tại hầu hết hệ thống siêu thị trên cả nước, các cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, chợ truyền thống,… Bên cạnh đó, Vissan còn tổ chức mạng lưới phân phối riêng với hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm, 100 nhà phân phối và trên 130.000 điểm bán hàng khắp toàn quốc.
Ông Phan Văn Dũng, Phó tổng giám đốc Vissan cho biết, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, người dân có xu hướng hạn chế đến những nơi tập trung đông người, trong đó có các trung tâm thương mại và siêu thị. Cũng vì vậy mà sản lượng phân phối của hãng tại các siêu thị giảm mạnh.
Ông Phan Văn Dũng, Phó tổng giám đốc Vissan
Thế nhưng trong cái khó ló cái khôn, Vissan tận dụng hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm của mình để tạo các kho chứa hàng hoá, áp dụng hình thức bán hàng qua điện thoại. Người dân chỉ cần gọi vào đường dây nóng khi có nhu cầu mua thực phẩm, hàng sẽ được giao trong vòng hai tiếng đồng hồ.
Theo ông Dũng, hình thức này không phải mới trên thị trường nhưng lại rất mới mẻ với chính doanh nghiệp, vừa giải quyết được bài toán người dân không đến nơi đông người, vừa thay đổi cách thức bán hàng.
“Đó là điểm sáng, là cơ hội mà chúng tôi tìm được trong dịch Covid-19. Cũng thông qua việc này, sau này chúng tôi sẽ phát triển mạnh kênh bán hàng trực tuyến”, lãnh đạo Vissan cho biết.
Trên thực tế, việc tìm cơ trong nguy khi áp dụng hình thức phân phối sản phẩm qua gọi điện thoại đặt hàng hoặc đặt hàng trên các nền tảng trực tuyến cũng đã được nhiều đơn vị áp dụng và cho thấy hiệu quả rất cao.
Dẫn ví dụ hãng bán lẻ Saigon Co.op, ông Hà Anh Tuấn, CEO Vinalink cho biết, sau khi xác định doanh số bán hàng trực tiếp tại siêu thị, cửa hàng giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh, Saigon Co.op đã ngay lập tức chuyển sang bán hàng qua kênh điện thoại và kênh trực tuyến.
Kết quả là chỉ trong ngày đầu ghi nhận ca nhiễm thứ 17 tại Việt Nam, số đơn hàng online tại Saigon Co.op đã tăng gấp 10 lần. Đến nay, lượng khách mua sắm online và qua điện thoại tăng đột biến gấp 4-5 lần. Theo ông Tuấn, một số doanh nghiệp khác cũng có doanh số tăng trưởng rất mạnh nhờ các nền tảng trực tuyến. Như sàn Tiki hiện ghi nhận khoảng 4.000 đơn hàng mỗi phút, số đơn hàng ở Lotte Mart tăng 200%, Lazada tăng 300% so với ngày thường.
Ông Hà Anh Tuấn, CEO Vinalink
“Giờ đây, khách chủ động đi tìm sản phẩm chứ không còn bị quảng cáo như trước đây”, CEO Vinalink cho biết trong một hội thảo trực tuyến gần đây của cộng đồng Chudoso Việt Nam.
Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm phục vụ ăn uống thường rất cao vào thời điểm này khi người dân không muốn ra ngoài và đến nơi đông người.
Ngoài các kênh quen thuộc như Grab Food hay Now, nhiều đơn vị cũng tự chạy quảng cáo để bán hàng từ xa, thậm chí còn tìm cách để tương tác với khách hàng, nâng cao trải nghiệm.
Chẳng hạn, các chợ hải sản không những nhận giao hàng tại nhà mà còn bán hàng thông qua các video trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội, cho người mua chứng kiến tận mắt, tự chọn món mình muốn mua và sẽ được xem người bán chế biến trước khi giao về tận nhà.
Trong thời điểm này, một số đơn vị như Imentor, SEONGON hay Elsa Speak tận dụng thời cơ, đưa ra các gói sản phẩm miễn phí trong chiến dịch chung tay để vừa có thể hỗ trợ các doanh nghiệp và cộng đồng, vừa tăng số lượng người dùng. Theo ông Hà, gói miễn phí một số doanh nghiệp đưa ra trên thực tế cũng là gói thử nghiệm nhưng sâu hơn, chẳng hạn, có thể miễn phí tới một năm thay vì một tháng như trước đây.
Có những doanh nghiệp đầu tư thu mua các kênh bán hàng có sẵn khách hàng hoặc các cửa hàng hiện đang gặp khó. CEO của Trâm Tạ Company – một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu phân phối mỹ phẩm, thực phẩm chức năng từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã quyết định mua lại các tiệm làm móng không có khách ở thời điểm hiện tại với giá rẻ để đưa vào vận hành sau khi hết dịch.
Mục đích chính của nữ doanh nhân này không phải để kiếm doanh thu từ dịch vụ làm móng. Theo đó, một số mỹ phẩm nhập khẩu từ Nhật của công ty này có giá khá cao, thường phải mất cả tiếng đồng hồ tư vấn mới bán được. Việc bán mỹ phẩm tại các spa rất khó vì khách hàng chỉ muốn được thư giãn, song nếu tư vấn tại các cửa hàng làm móng và làm tóc thì lại rất hiệu quả.
Nhiều doanh nghiệp lại biến đổi trục sản phẩm, nắm bắt xu hướng để sản xuất và phân phối các sản phẩm trong mùa dịch. Hàng loạt công ty bảo hiểm lần lượt ra mắt các gói bảo hiểm Corona, nhiều hãng dược tập trung sản xuất vitamin, nhiều hãng thời trang đẩy mạnh sản xuất khẩu trang, hãng mỹ phẩm thì đẩy mạnh sản xuất nước rửa tay sát khuẩn, doanh nghiệp sản xuất cơ khí sản xuất máy khử trùng tự động…
Chiếc burger mô phỏng hình vi rút Corona
Đáng chú ý, dựa vào xu hướng, có những hãng đã thiết kế sản phẩm mô phỏng hình vi rút corona, thu hút sự hiếu kỳ và thích thú cho khách hàng. Mới đây, ông Hoàng Tùng, chủ của chuỗi Pizza Home đã làm ra một loại burger với tạo hình mô phỏng vi rút corona chủng mới. Ban đầu ông Tùng chỉ làm 50 chiếc bánh cho vui và đăng tải lên mạng xã hội nhưng về sau lại không có đủ hàng để bán.
Trước đó vào tháng 2/2020 khi dịch Covid-19 khiến nông sản của bà con nông dân bị ứ đọng và đứng trước nguy cơ mất trắng, những chiếc bánh pizza thanh long do ông Tùng sản xuất đã gây sốt trên thị trường Hà Nội, vừa tạo một hướng đi mới cho bà con nông dân khiến giá trị của thanh long không bị giảm đi, vừa tạo sản phẩm mới độc, lạ cho doanh nghiệp với nguồn nguyên liệu rẻ. Ý tưởng này được thực hiện sau khi “vua bánh mỳ” Kao Siêu Lực, nhà sáng lập ABC Bakery tạo ra công thức sản xuất chiếc bánh mỳ thanh long “gây bão” Sài Gòn.
Nếu không chuẩn bị, cơ hội cũng sẽ qua đi
Nói về việc tìm kiếm cơ hội trong khủng hoảng, ông Lực cho rằng các doanh nghiệp cần luôn trong thế chủ động, để sẵn sàng đón nhận cơ hội vì cơ hội đến mà không kịp nắm bắt thì cơ hội cũng qua đi. Do đó, việc đón cơ hội cũng phải chuẩn bị từ trước chứ không chỉ là chuẩn bị để ứng phó với khó khăn.
Ông Lực nhấn mạnh: “Lái thuyền ra biển chưa gặp bão tưởng mình giỏi, nay có bão mà không bị rớt mới chứng tỏ được bản lĩnh”. Theo nhà sáng lập ABC Bakery, kinh doanh phải theo kịp thời đại, cần tính toán đến câu chuyện công nghệ 4.0. Cũng vì vậy mà ông Lực đã sớm xây dựng bảy dây chuyền sản xuất bánh khác nhau, toàn bộ được áp dụng công nghệ 4.0, chỉ chờ cơ hội đến là nắm bắt đẩy mạnh sản xuất.
Ông Kao Siêu Lực là người tạo ra công thức làm bánh mỳ thanh long
Từ thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, người nông dân Việt đứng trước nguy cơ mất trắng vì nông sản không bán được. Ông Lực đã nghĩ ra công thức làm bánh mỳ thanh long, vừa tạo một sản phẩm mới, lạ để kích thích nhu cầu của người tiêu dùng, vừa giúp người nông dân vượt qua khó khăn. Ông cũng chia sẻ rộng rãi công thức làm bánh thanh long để các đơn vị khác cùng nhau sản xuất một thứ mà ông gọi là văn hoá của Việt Nam.
“Tôi không ngại chia sẻ, cứ khai thác. Nước ngoài đã khai thác rồi mà trong nước không khai thác thì hơi uổng”, ông Lực nói.
Đồng tình với quan điểm các doanh nghiệp phải chuẩn bị thì mới không để thời cơ tuột mất, ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc NS BlueScope Việt Nam nhìn nhận, các doanh nghiệp nếu muốn phát triển bền vững thì không nên đợi tới khủng hoảng và dịch bệnh mới cải cách và tìm kiếm các phương án mới.
Ông Nhựt chia sẻ, khi công tác kho vận của Trung Quốc bị hạn chế khi dịch bùng phát và lây lan rất nhanh trong khi các thị trường trên thế giới vẫn có nhu cầu thép, NS BlueScope đã tận dụng cơ hội để tìm kiếm và có thêm các thị trường, khách hàng mới. Từ cách đây một năm, doanh nghiệp này đã luôn chuẩn bị phương án dự trữ trong trong sáu tháng đối với tất cả mặt hàng.