Nền kinh tế thế giới, dưới tác động của hội nhập, thương mại mậu dịch và cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đang được định hình mới, đặc biệt là ở khu vực APEC.
Đó là nhận định của Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc tại buổi họp báo về các sự kiện của doanh nghiệp trong tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam 2017 vào ngày 9/10 tại Hà Nội.
Theo ông Lộc, tính đến nay, thế giới đã trải qua bốn cuộc cách mạng công nghiệp. “Ở cuộc cách mạng đầu tiên, diễn ra ở cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, với sự xuất hiện của động cơ hơi nước, máy móc thực hiện công việc thay cho con người về cơ bắp, còn cuộc cách mạng lần thứ tư mà chúng ta đang trải qua, máy móc lại đang thay cho con người về trí tuệ. Chính điều này đã tác động đến phát triển kinh tế của các quốc gia và nó đang tác động lên chính quá trình hội nhập”, ông chia sẻ.
“Quá trình hội nhập, nhân tố của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, cùng với tác động của cuộc cách mạng lần thứ 4 đang khiến thương mại và đầu tư quốc tế theo xu hướng đảo chiều. Trước đây, quá trình sản xuất các ngành công nghiệp dệt may, giày dép, điện tử được chuyển dịch từ Hoa Kỳ, Bắc Mỹ, châu Âu sang các nước có lao động rẻ như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, với công nghệ robot, trí tuệ nhân tạo, yếu tố lao động giá rẻ đã không còn quá được coi trọng, do đó, các ngành công nghiệp dệt may, giày dép, điện tử có khả năng sẽ quay trở lại chính quốc, trở lại châu Âu, Bắc Mỹ, để gắn với thị trường tiêu thụ thay thế cho lao động giá rẻ của chúng ta”, ông chia sẻ.
Như vậy thương mại đầu tư quốc tế có xu hướng đảo chiều trong nhiều lĩnh vực, đó là thách thức vô cùng lớn với lực lượng lao động đông và trẻ của Việt Nam. Với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam sẽ không thể tiếp tục coi đây là lợi thế được nữa, thậm chí nếu không có mô thức đúng đắn thì chúng ta còn phải đối mặt với nguy cơ giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng lao động này.
Theo số liệu của tổ chức lao động quốc tế, có tới 85% số lượng lao động trong ngành dệt may, da giày, điện tử ở Việt Nam đứng trước nguy cơ mất việc làm và hơn 9 triệu người lao động ở Đông Nam Á có khả năng mất việc trong thời gian tới do tác động của robot hóa và việc các dây chuyền sản xuất trở về chính quốc.
“Cho nên việc tìm ra một mô thức phát triển tăng cường chất lượng đào tạo nhân lực để chuẩn bị cho nền kinh tế thông minh, đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho người lao động đang là nhu cầu cấp thiết hiện nay, tác động trực tiếp tới tiến trình hội nhập APEC của chúng ta”, ông nhấn mạnh.
Đề cập đến ngành sản xuất thủ công, ông Lộc chia sẻ: “Bên cạnh xu hướng sản xuất hàng loạt thì thị trường vẫn đang còn ưa chuộng xu hướng sản xuất thủ công dựa trên sự khác biệt. Thúc đẩy phát triển các ngành này trên cơ sở nền tảng công nghệ thông tin, Internet, thương mại điện tử thì chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra một cơ cấu giải đáp được cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, đồng thời tận dụng được lợi thế của nền kinh tế Việt Nam”.
“Do hầu hết quy mô của doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa, trước đây, họ chỉ có thể tồn tại khi liên kết lại với doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng hiện nay không nhất thiết như vậy, những doanh nghiệp siêu nhỏ hoàn toàn có thể tự tiếp cận với người tiêu dùng thông qua thương mại điện tử”, ông nói.
Như vậy, từ khóa cho sự phát triển nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo ông Lộc, là “quốc tế hóa”, đây cũng là giải pháp giúp thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.