Reinventing Business Marketing Workshop – Vietnam Marketing Association – Đại học Kinh Tế TP HCM
Trong vòng hơn một thập niên trở lại đây, tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS), đặc biệt là ở Đông Nam Á, là một hiện tượng đáng kinh ngạc. Ở Việt Nam, ngành nuôi cá tra được gọi là tốc độ tăng trưởng hỏa tiển (sky rocketer). Giai đoạn đầu với 37.500 tấn năm 2003, đến năm 2011, sản lượng đã đạt 1.300.000 tấn, tăng trưởng gấp 35 lần về mặt sản lượng. Kim ngạch xuất khẩu tăng 45 lần, từ 40 triệu đô la lên đến 1.86 tỷ đô la.
Kinh nghiệm trên thương trường quốc tế này đã cổ võ cho ngành NTTS Việt Nam khi đặt những viên gạch đầu tiên cho ngành nuôi biển xa bờ trong đầu những năm 2015. Tuy nhiên, việc định hướng chiến lược phát triển cho ngành nuôi biển xa bờ phải được nghiêm túc rút ra những bài học từ “mồ hôi nước mắt” của ngành cá tra. Những bài học không thể lãng phí bỏ qua để rồi cứ theo nguồn cảm hứng không cơ sở chiến lược mà vạch ra một lối đi mới trên vết mòn bánh xe cũ được.
Nuôi biển xa bờ là gì? Tại sao phải xa bờ?
Từ khi Hiệp hội nuôi biển Việt Nam (VSA: Vietnam Seaculture Association) được thành lập vào tháng 11 năm 2016, cụm từ nuôi biển đã được đưa ra và cùng nhau hiểu đó là một ngành kinh tế dựa trên tiềm năng tài nguyên biển. Xa bờ (Offshore) là thuật ngữ khá phổ biến xuất hiện trên các diễn đàn, tạp chí và báo cáo trên khắp thế giới.
Nói đến xa bờ, tự động ai cũng hiểu là nuôi ngoài khơi xa ngút ngàn. Thật ra xa bờ bao hàm ý nghĩa tránh xa nững hoạt động đã có sẵn trước đó gần bờ, cụ thể là hoạt động của ngành hải cảng, vận tải hàng hải, sinh hoạt của cộng đồng cư dân, và đặc biệt là ngành du lịch, giải trí. Nếu nuôi biển ở đây, không những phải đối chọi về cảnh quan với các ngành này, mà về mặt không gian địa lý đã không còn đủ chỗ cho ngành nuôi biển. Từ đó nảy sinh các vấn đề về ô nhiễm môi sinh, tác động qua lại lẫn nhau, làm cho các ngành khác khó phát triển, mà ngược lại làm cho ngành nuôi biển bị ảnh hưởng vì nguồn nước ô nhiễm, năng suất thấp vì dịch bệnh.
Trường hợp ở Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ điển hình cho nhu cầu bức thiết phải xa bờ của ngành nuôi biển. Sản lượng nuôi cá biển (3 loài chủ lực cá hồi vân, cá tráp và cá chẻm) có xu hướng phát triển mạnh theo nhu cầu thị trường. Trong khi đó nhu cầu này được đáp ứng với một ngành nuôi và đánh bắt nhỏ lẻ do lực lượng lao động đơn giản. Năm 2006, MoFAL (Ministry of Food, Agriculture and Livestock) đưa ra chính sách khuyến khích nuôi biển với quy mô lớn hơn (≥250 tấn/năm). Sau đó, trong vòng 1 năm (2007-2008) tất cả trại nuôi gần bờ bị rút phép hoạt động và buộc phải di dời ra khu xa bờ đã quy hoạch cho nuôi biển. Năm 2015, ngành NTTS của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đóng góp 35,76% về mặt sản lượng so với 64,24% từ đánh bắt hải sản, nhưng giá trị của NTTS tạo ra lên đến 67,36% so với 32,64% từ đánh bắt.
Định hướng ngành nuôi cá biển Việt Nam
Dựa vào kinh nghiệm thương trường thế giới từ cá tra và tôm, Việt nam đặt kỳ vọng lớn vào ngành nuôi biển xa bờ. Từ sản lượng thực tế 29.770 tấn năm 2017, ước tính sẽ lên đến 200.000 tấn vào năm 2020 và 600.000 tấn vào năm 2030 (bình quân tăng trưởng 11,5% mỗi năm). Điều này cần phải dựa trên thăm dò thị trường kể cả nội địa và xuất khẩu. Tương tự như cá tra, động lực chính là thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên với cá biển, sản phẩm không chỉ là một loài như cá tra. Điều kiện nhiệt đới của Việt Nam thích hợp với nhiều loài cá biển giá trị cao như: cá mú, cá chẻm, cá chim, cá bớp… Thị trường tiêu thụ các loài cá này là ở đâu, giá cả, cạnh tranh ra sao? Để có tư thế cạnh tranh, điều cần thiết là trình độ công nghệ và quản lý phải thực sự cao. Trong khi các nước khác trong khu vực Đông Nam Á cũng đã khởi sự, đã cùng gần như một vạch xuất phát với Việt Nam.
Chi phí thức ăn NTTS chiếm trên 70% giá thành sản phẩm NTTS, trong khi đó thức ăn NTTS ở Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập. Việc này ảnh hưởng lớn đến giá bán cá biển nuôi ra thị trường xuất khẩu. Thực tế cá tra Việt Nam trong thập niên qua ở tư thế độc quyền (monopoly) không phải cạnh tranh như cá nuôi biển hiện nay. Tuy nhiên người độc quyền lại không điều khiển được giá thị trường mà ngược lại, giá xuất cá tra lại lệ thuộc vào quyền kiểm soát của nhà nhập khẩu từ nước ngoài. Vì cá tra Việt Nam chưa có thương hiệu, vẫn chỉ là “product of Vietnam”, thay vì “Made in Vietnam” và mang một thương hiệu đã có tiếng sẵn nào đó ở thị trường khu vực hoặc thế giới. Từ đó, giá bán bị đè xuông, trong khi nguyên liệu nhập khẩu lại tăng giá. Mức lợi nhuận của người nuôi cá rất bấp bênh.
Gần đây từ giữa năm 2017, giá cá tra nguyên liệu tăng “đột biến. Từ 21.000 đ/kg cho đến thời điểm cuối 2018 đã lên đến 35.000 đ/kg. Nguyên nhân của sự tăng giá này là nhu cầu phát sinh từ thị trường Trung Hoa, chiếm đến 23% kim ngạch xuất khẩu cá tra. Các nhà chế biến xuất khẩu vẫn nói “Thị trường Trung Hoa không ổn định, thị trường Mỹ, Nhật, EU tuy khó tính nhưng bền vững”.
Kinh nghiệm từ ngành hàng xuất khẩu cá tra để lại một bài học quý giá cho ngành cá biển non trẻ: Phải nắm rõ nhu cầu khách hàng để quyết định đầu tư công nghệ cho phù hợp. Khảo sát nhu cầu từ các sự kiện, hội thảo, hội chợ thủy sản thế giới, chứ không chỉ ngừng lại ở việc trưng bày sản phẩm. Phải có thương hiệu để trọn quyền quy định giá bán qua mạng lưới phân phối của chính mình.
Kiến nghị
Điểm lại các thương hiệu nổi tiếng trong ngành nông sản thế giới, ai cũng thành công từ sân nhà rồi mới vươn ra ngoài: Starbucks, rượu vang Bordeaux, Cá hồi Na Uy… Ở Việt Nam Trung Nguyên Coffee, Phở 24 cũng là ví dụ điển hình. Vậy có nên chăng đặt tiêu điểm thị trường xuất khẩu cho cá biển ngay từ đầu mà không đi từng bước vững chải từ sân nhà, nơi mà người sản xuất kinh doanh có quyền tự đặt luật chơi? Thương hiệu nội địa một khi đã được hình thành sẽ mang dấu ấn văn hóa Việt và lan tỏa qua kênh du khách quốc tế để vươn ra ngoài. Dấu ấn văn hóa Việt là điểm khác biệt trong định vị, là lợi thế cạnh tranh, chứ không phải công nghệ là yếu tố mà Việt Nam còn đang học hỏi, còn đang thua xa các nước châu Âu trong nuôi cá biển xa bờ.
Võ Hoàng Nguyên
USSEC Vietnam
Senior Technical Consultant Aquaculture