Bí thư Nguyễn Văn Nên: ‘TP.HCM sẽ mở cửa dần, không thể mãi giãn cách nghiêm ngặt’
TTO – Trả lời báo chí sáng 5-9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá TP.HCM phải mở cửa dần, chậm nhưng chắc. ‘Không thể mãi giãn cách nghiêm ngặt và cũng không thể quét sạch F0’, ông nói.
Tôi lưu ý, bình thường khác với bình thường mới. Bình thường như trước đây là mọi người có thể tự do làm việc mình muốn nhưng tình thế giờ đã khác. Nếu để xảy ra tái phát dịch một lần nữa như chúng ta đã đi qua thì cực kỳ khó khăn.
Bí thư Thành ủy TP.HCM NGUYỄN VĂN NÊN
Trao đổi với báo chí bên lề cuộc làm việc với quận 7 về kiểm soát tình hình dịch COVID-19, ông Nên cho biết: “TP đang đi tìm phương án khôi phục kinh tế trong giai đoạn bình thường mới và giao cho quận 7 làm điểm. Chúng ta không thể tiếp tục mãi giãn cách triệt để, cũng như không thể quét sạch F0, thay vào đó chúng ta sẽ mở dần, sống trong điều kiện bình thường mới, trong điều kiện có dịch”.
* Cụ thể chúng ta sẽ làm những gì, thưa ông?
– Để sống trong điều kiện có dịch, chúng ta cần phải có vắc xin, thuốc và ý thức, thói quen tốt… để trang bị, giúp mỗi người dân trở thành chiến sĩ chiến đấu để chống dịch.
Người dân phải sống chậm lại và phải ý thức rằng xung quanh mình lúc nào cũng có nguy cơ lây nhiễm. Ngoài việc nghiêm túc thực hiện 5K, cũng cần đảm bảo không khí môi trường sống thông thoáng và sức khỏe đảm bảo.
Nếu người dân có đủ sức khỏe, biết phòng vệ thì nếu lỡ bị nhiễm thì biết tự phát hiện, tự cách ly, tự điều trị với sự hỗ trợ của ngành y tế.
Bình thường mới trong điều kiện có dịch trước hết là tâm thế, thói quen sống của người dân là cực kỳ quan trọng. Thứ hai là củng cố hệ thống y tế đủ mạnh, khi có đủ những điều đó thì mới có thể yên tâm sản xuất.
Không thể cứ lo dịch mà không lo sản xuất, phải bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế. Ví dụ, vẫn phát sinh những trường hợp F0 nhưng khi phát hiện F0 thì sẽ tự điều trị với sự hỗ trợ của y tế và sau đó tiếp tục quay lại đời sống bình thường.
Thành phố sẽ giao cho các cơ quan nghiên cứu như đội ngũ khoa học, y bác sĩ, xã hội học, tâm lý học… nghiên cứu tất cả những vấn đề liên quan đến con người và môi trường sống trong bối cảnh có dịch.
* Nhưng tâm thế đời sống mới này chắc chắn sẽ nhiều thứ rất khác?
– Tôi lưu ý bình thường khác với bình thường mới. Bình thường như trước đây là mọi người có thể tự do làm việc mình muốn nhưng tình thế giờ đã khác. Nếu để xảy ra tái phát dịch một lần nữa như chúng ta đã đi qua thì cực kỳ khó khăn.
Thành phố này hơn 80% là dịch vụ, chỉ cần đóng cửa một chút thôi thì có những người cần trợ cấp liền. Một bộ phận lớn người dân thậm chí không có nồi cơm trong nhà, cứ đi làm rồi ăn uống hàng quán, tối về ngủ, sống quanh năm suốt tháng như vậy. Dịch vụ khi tắc một điểm nào đó thì sẽ làm tắc cả chuỗi. Mở cửa trở lại nếu không khéo, không quản lý đựoc thì sẽ sinh chuyện. Chúng ta sẽ mở chậm nhưng chắc.
Quay trở lại chuyện “mở” nếu không khéo, không quản lý được thì sẽ phát sinh nhiều câu chuyện như lây nhiễm trở lại. Còn nếu như chúng ta mở chậm, chắc, mở tới đâu quản lý được tới đó.
Ví dụ, tới đây ai là người sẽ được ra công viên để tập thể dục? Nếu bạn có kháng thể tốt, tôi được tiêm 2 mũi thì tôi có thể ra công viên lớn. Bạn mới tiêm 1 mũi, bạn có thể tập ở công viên nhỏ, chỗ đó vắng người. Còn nếu bạn chưa tiêm mũi nào thì tạm thời ở nhà, khoan ra ngoài, thế mới đảm bảo được.
* Như vậy chúng ta cũng sẽ có những phương thức, công nghệ mới để quản lý xã hội?
– Việc quản lý được người tham gia ra xã hội cực kỳ quan trọng và phải được tính và quản lý bằng công nghệ chứ không thể để quản lý bằng cách kiểm soát nhau được. Lúc đó mọi người sẽ đổi cách sống, quen với dịch bệnh.
Nhiều nước như Nhật, Mỹ, Úc là những nước tiên tiến về khoa học kỹ thuật, môi trường, hạ tầng, điều kiện như thế mà họ vẫn gặp khó khăn, trong khi điều kiện đất nước mình, thành phố mình thì càng khó khăn hơn.
Dân quận 7 thì ít thôi, nhưng còn Bình Tân, Bình Chánh, quận 12 và một số nơi khác khá đông. Đã có lần một số nơi đề nghị di dân, tôi đã tới đó rồi, họ sống 5, 6 người trong một khu đất nhỏ, chỉ chui vào đấy nằm ngủ thôi, làm sao mà không lây được. Nhưng để di dân đi đâu thì cực kỳ khó khăn. Thành phố khi mở phải tính những cái đó, làm sao cho an toàn.
Ý thức từng người dân là điều kiện tiên quyết. Nếu từng người dân không có ý thức mà cứ đổ xô ra đường thì quản không nổi. Khi đóng không được, mà quản không nổi thì dẫn tới nguy cơ lớn, rất đáng lo.