CEL giới thiệu công cụ trực tuyến “HCMC DemandSupply”
CUNG CẦU TẠI TP.HCM: LÀM SAO ĐỂ “NƯỚC CHẢY ĐỀU” TỪ GÓC NHÌN CỦA DỮ LIỆU?
Tp.HCM, 10/08/2021 – CEL giới thiệu công cụ trực tuyến “HCMC DemandSupply” (Cung Cầu Tp.HCM) dành cho tất cả mọi người quan tâm việc điều tiết nguồn lực xã hội, cân đối cung cầu trên diện rộng, và đặc biệt hữu ích cho những đối tượng như doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm – dược phẩm – hàng thiết yếu, bất kỳ công dân, tổ chức thiện nguyện nào muốn đóng góp, tạo ra những ảnh hưởng tích cực to lớn, giúp đỡ một cách đồng đều và khoa học đối với thành phần yếu thế, lực lượng chống dịch thành phố, các y bác sĩ và nhân viên y tế.
HCMC DemandSupply là dự án đầu tiên thuộc Chương trình Data For Good tại CEL với mục tiêu “vận dụng Sức Mạnh của Dữ Liệu cho những điều Tử Tế”, hướng tới hai mục tiêu: giúp mọi người tìm ra nguồn cung gần nhất cho thực phẩm hay các mặt hàng thiết yếu, và giúp những cá nhân ra quyết định biết được những nơi có nhu cầu về các mặt hàng thiết yếu và nơi đang có nguy cơ thiếu hụt cao hơn do số lượng hạn chế của các nguồn cung cấp
Ông Julien Brun, Tổng Giám Đốc CEL, chia sẻ “Bất kể mức độ lo lắng hay lạc quan của chúng ta như thế nào, điều quan trọng là phải nhắc nhở bản thân rằng những đối tượng yếu thế trong chúng ta sẽ phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Tinh thần đoàn kết là những gì chúng ta còn lại để cùng nhau trở nên mạnh mẽ hơn khi đại dịch đi qua.” Rất nhiều người đang gặp khó khăn giữa đại dịch Covid trong việc tìm kiếm nguồn cung và đáp ứng những nhu cầu hàng ngày. Nguồn cung thường bị hạn chế, rất nhiều chợ hoặc cửa hàng đã buộc phải đóng cửa. Một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề hơn những nơi khác. Đội ngũ CEL mong muốn đóng góp chuyên môn Quản Trị Cung Ứng và Khoa Học Dữ Liệu để cung cấp đến người dân cũng như các chuyên gia thông tin hữu ích có tính phân tích khoa học từ dữ liệu, từ đó giúp ứng phó với thách thức về nhu cầu và cung ứng cho những mặt hàng thiết yếu tại TP.HCM. Hiện tại, “hàng thiết yếu” đơn giản được hiểu là thực phẩm. Tuy nhiên, CEL có thể sẽ mở rộng dữ liệu sang lĩnh vực thiết yếu khác như nước uống, y tế trong những ngày tới. CEL chọn bắt đầu với TP.HCM vì đây là địa phương đang đối mặt với nhiều thách thức cung cầu nhất trong đợt dịch này. Dữ liệu sử dụng được tổng hợp từ nhiều nguồn như Bộ Y tế, UBND TP.HCM, Tổng cục Thống kê, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, và tra soát dữ liệu thực tế từ CEL. Tất cả nguồn thông tin đều minh bạch. CEL cập nhật liên tục hàng ngày để đảm bảo có được những thông tin mới nhất.
Đây là phiên bản đầu tiên của công cụ HCMC DemandSupply được xây dựng trong 14 ngày trong đợt giãn cách xã hội tại Tp.HCM giữa tháng 7. HCMC DemandSupply được giới thiệu phiên bản dành cho máy tính vào 30/07 và phiên bản dành cho điện thoại vào 10/08. CEL cũng kêu gọi mọi người cùng nhau đóng góp, cùng giúp cho công cụ trở nên tốt hơn, dễ sử dụng hơn với tất cả thông qua hộp thoại gửi về đội ngũ xây dựng công cụ. Dù bạn đang tìm mua một món hàng thiết yếu hay mong muốn quyên góp, cung cấp đến những người đang có nhu cầu, HCMC DemandSupply dashboard này sẽ hướng dẫn cho bạn, cho bạn biết hiện một khu vực cụ thể đang cần bao nhiêu thức ăn, do đó đem đến cho bạn những hiểu biết rõ ràng về nhu cầu.
Với phiên bản đầu tiên tập trung vào dữ liệu “thực phẩm thiết yếu”, HCMC DemandSupply tập hợp hơn 3759 điểm cung cấp mặt hàng trên toàn Tp.HCM bao gồm chợ lồng được phép mở cửa, siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hoá – rau củ – thực phẩm, các chuỗi bán lẻ, điểm bán di động, điểm bán từ thiện… Với sự thay đổi thông tin về ảnh hưởng phong toả, cách ly và diễn biến dịch tại Tp.HCM, trung bình mỗi ngày có khoảng 50-100 điểm thông tin trên dashboard được cập nhật. Đó là chưa kể đến sự gia tăng mở rộng dữ liệu các lĩnh vực khác và bổ sung thêm các tính năng hữu ích hơn theo ý kiến người dùng, ví dụ như chia sẻ Danh Bạ Toàn Bộ Các Dự Án Từ Thiện, Phi Lợi Nhuận tại Tp.HCM hướng đến các thành phần yếu thế để các doanh nghiệp, cá nhân trực tiếp chủ động liên hệ. Đại diện các doanh nghiệp tiếp cận công cụ HCMC DemandSupply như Siegwerk, Nestlé, Fraser, Bitis, Nor Feed… chia sẻ và đánh giá “Ý tưởng tuyệt vời! Cảm ơn đã chia sẻ công cụ này! Một công cụ hữu ích cho hoạt động CSR tại công ty!” Hiện tại, CEL đang làm việc với 1001fontaines – một tổ chức phi lợi nhuận từ thiện của Pháp – để cung ứng nước uống an toàn tại các khu vực có nhiều đối tượng yếu thế có nhu cầu này tại Tp.HCM.
Truy cập vào HCMC DemandSupply:
Tiếng Anh: www.cel-consulting.com/dataforgoodhcmc
Tiếng Việt: www.cel-consulting.com/dataforgoodhcmcvn
DỮ LIỆU “CUNG CẦU THIẾT YẾU TẠI TP.HCM” NÓI ĐIỀU GÌ?
Hệ thống phân phối thực phẩm của TP.HCM có 207 siêu thị, 3 chợ đầu mối, 130 chợ truyền thống có mái lồng, 37 trung tâm thương mại và hơn 2.600 cửa hàng tiện lợi mini và hơn 28.700 cửa hàng tạp hóa. Thực phẩm thiết yếu tại TP.HCM được cung cấp từ các tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Tiền Giang… Trước đây, hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi đáp ứng khoảng 1/5 nhu cầu thực phẩm của người dân, còn lại là hàng từ ba chợ đầu mối lớn: chợ Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức tiếp nhận từ các địa phương lân cận, sau đó chuyển sang 130 chợ truyền thống. Tuy nhiên, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, các chợ đầu mối, chợ truyền thống phải đóng cửa, ảnh hưởng lớn đến việc cung ứng nông sản cho người dân, cụ thể là trong thời gian giãn cách của đợt dịch này, chỉ có 12% của tổng số điểm cung cấp thực phẩm thiết yếu mở cửa hoạt động, tức 3759 điểm bán. Trong 3759 điểm cung ứng thực phẩm trên, trung bình có:
1% điểm bán là các cửa hàng tạp hoá như Co.op Foods, Vinmart, Satra Foods, Bách Hoá Xanh..
1% điểm bán là chuỗi các cửa hàng tiện lợi như Ministop, Familymart, 7-Eleven…
4% điểm bán là các cửa hàng đặc thù chuyển dịch tạm thời cung cấp thêm hàng thiết yếu như Con Cưng, Guardian, Di Động Việt…
8% điểm bán là các công ty thương mại – sản xuất thực phẩm
1% điểm bán là chợ truyền thống
4% điểm bán là các cửa hàng lưu động
3% điểm bán là siêu thị
8% điểm bán là các cửa hàng từ thiện, cửa hàng 0 đồng…
Mạng lưới phát triển kênh phân phối, bán lẻ với sự tập trung cao điểm bán tại các quận trung tâm trước đại dịch ít nhiều ảnh hưởng đến sự phân bổ không cân đối về điểm bán hàng thiết yếu trong giai đoạn giãn cách xã hội giữa các quận. Ví dụ, chỉ tính theo số lượng điểm bán, Quận Bình Thạnh có số điểm bán hàng thiết yếu cao gấp 20 lần so với Cần Giờ. Các quận có hơn 200 điểm bán mặt hàng thiết yếu và mở cửa hoạt động trong giai đoạn giãn cách xã hội tại Tp.HCM như: Bình Thạnh, Gò Vấp, Q7, Bình Tân, Tân Bình và Thành phố Thủ Đức. Trái lại, các quận huyện có ít hơn 100 điểm bán thiết yếu trong giãn cách như: Cần Giờ, Q11, Q4, Nhà Bè, Củ Chi, Q6. Nếu tính theo phân bổ điểm bán thiếu yếu mở cửa trong giãn cách theo mật độ dân số từng quận, trung bình người dân sống tại Q1 có nhiều lựa chọn điểm mua hàng thiết yếu nội quận cao hơn 9 lần so với người dân sống tại Củ Chi, cao hơn 7 lần so với người dân sống tại Bình Chánh và Cần Giờ.
Tp.HCM có tổng cộng 321 phường trên 22 đơn vị hành chính. Qua phân tích dữ liệu 3759 điểm bán thiết yếu trong giãn cách qua theo cấp độ phường, CEL nhận thấy có một sự mất cân đối rất lớn về việc phân bổ điểm bán theo từng phường. Tính theo số lượng điểm bán, người dân tại hơn 1/2 tổng số phường – xã tại Tp.HCM, tức hơn 160 phường, chỉ được tiếp cận khoảng 20% tổng số điểm bán thiết yếu mở cửa trong thời gian qua, ứng với khoảng hơn 750 điểm bán. Như vậy trung bình có khoảng 160 phường chỉ có khoảng 4-5 điểm bán thiết yếu mở cửa trong phường xã, trong khi khoảng 1/2 số phường xã còn lại trên thành phố có khoảng trung bình 18-19 điểm bán thiết yếu. Nếu tính theo mật độ dân cư từng phường xã, hiện tượng “nước chảy không đều” do mất cân đối trong điểm bán thực tế do vị trí hành chính trong giai đoạn giãn cách diễn ra càng rõ rệt, điển hình như xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) có 36 điểm bán thiết yếu mở cửa cho số dân khoảng hơn 9,400 người, và đối nghịch là phường Long Bình (Thành phố Thủ Đức) chỉ có 1 điểm bán mở cửa cho khoảng 46,000 dân.
Dashboard HCMC DemandSupply này có thể giúp:
Chính quyền địa phương, ban ngành có liên quan chú ý hơn nhằm giúp ổn định – kiểm soát giá thị trường tại những phường xã có phần “cung” rất ít so với “cầu”, có số lượng điểm bán thiết yếu ít trong giai đoạn này.
Các tổ chức thiện nguyện, phi lợi nhuận tái phân bổ lại mạng lưới các khu vực thật sự “cần” và chịu nhiều áp lực từ việc mất cân đối trong số lượng và phân bổ điểm cung ứng hàng thiết yếu.
Doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh ngành hàng thiết yếu có thể tái thiết kế mạng lưới phân phối, đề ra sáng kiến và giải pháp thực tiễn cân đối cung và cầu giữa các khu vực, khai thác thị trường mới chính là những khu vực có ít điểm cung ứng, ví dụ tăng cường điểm bán lưu động…
Tất cả các cá nhân muốn đóng góp, làm một điều gì đó san sẻ với đối tượng yếu thế có thể ưu tiên hỗ trợ những nơi thật sự cần và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc mất cân đối cung – cầu để “nước chảy đều”.
CEL
Demand Supply Alignment
www.cel-consulting.com